Điều gì làm nên sự khác biệt hay USP (Unique Selling Point) cho Website là gì?
Một Website có bản sắc riêng có thể được xem là USP. Nó không đến từ vẻ bên ngoài, mà bắt đầu từ chính người tạo nên nó, đó-chính-là-bạn.
Nhận ra sự khác biệt của mình, Website của bạn khác biệt.
USP của bạn, USP của Website.
USP (Unique Selling Point) là gì?
USP được dịch sang tiếng việt là “Điểm bán hàng độc nhất”, đó là bất kỳ một đặc tính nổi bật nào của sản phẩm/dịch vụ nói chung, và Website nói riêng.
USP giúp Website của bạn tỏa sáng theo một cách riêng, giữa hàng triệu triệu website đang hoạt động trên thị trường.
Quay lại với câu khẳng định “USP của bạn, USP của Website”, cho nên phần sau chúng ta sẽ phân tích tập trung vào USP của cá nhân – người xây dựng nên Website.
Chữ “khác biệt” thường gắn liền với USP, theo bản thân Huy cảm nhận lại làm chúng ta bị giới hạn. Đặc tính khác biệt thường làm chúng ta hiểu rằng mình phải trở nên lạ lẫm, khác lạ so với một tập thể để nổi bật hơn.
Nhưng USP thật sự nằm ở chữ “unique – độc nhất”, điều này mang hàm ý không có gì giống nhau hoàn toàn và khó có thể thay thế. Bạn và Huy, chúng ta tự bản thân đã là những cá thể độc lập, không giống nhau hoàn toàn và không thể thay thế.
Điều này phần nào giải tỏa áp lực cho bạn.
Bởi mỗi chúng ta dù trông vẻ bề ngoài, phong cách sống, công việc,…có vẻ na ná giống nhau. Nhưng nhìn sâu hơn thì bản sắc mỗi người sẽ khác nhau, bởi nó được tạo thành từ bối cảnh gia đình – xã hội, suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, góc nhìn cuộc sống…
Chỉ cần nhìn sâu hơn vào bản thân mình, bạn sẽ nhận ra được điều đó. Dưới đây Huy gợi ý 3 cách để khám phá được USP của mình dễ dàng hơn, bạn xem nhé!
USP đến từ thấy chính mình
Mình còn nhớ một buổi Workshop “Insight Journey: From Potential ME to MARKET” của chị Ngọc Võ Norah mà mình tham gia gần đây, có bạn Lan Hương chia sẻ về hành trình xây kênh tiếng Hàn của mình.
Bạn chia sẻ “Ngách tiếng Hàn đã có nhiều người làm quá hay rồi, và mình nhận ra USP của mình không cạnh tranh bằng nội dung chuyên môn, mà bằng cách mình nói chuyện. Nhiều bạn nhận xét phát âm tiếng Hàn của mình nghe dễ thương, duyên dáng nên nhớ đến kênh của mình là nhớ đến cách nói chuyện của mình”.
Giống như Lan Hương, bạn không đi tạo ra điểm khác biệt, đơn giản là bạn chỉ cần là chính mình, thấy chính mình một cách trung thực ở nhiều khía cạnh, để rồi chọn ra điểm độc nhất “cách phát âm” giúp độc giả nhớ tới mình cho kênh Tiếng Hàn.
Huy quan sát trong ngành Mentor về kinh doanh cũng vậy. Có nhiều anh hướng dẫn với phong thái quyết liệt, mạnh mẽ, lúc nào cũng tiến về phía trước. Điều này rất hợp với Huy, nghĩ tới kinh doanh là mình nghĩ tới người Mentor này.
Tuy nhiên, lại có những anh Mentor kinh doanh theo phong cách bình an thì cách họ dẫn dắt, chậm rãi, từ tốn có vẻ không hợp với Huy lắm, nhưng lượng độc giả của anh lại có phong cách khá giống anh này.
Từ quan sát, mình nhận ra nếu sống đúng với chính mình, cảm thấy thoải mái với chính mình thì tự nhiên lượng độc giả/khách hàng có phong cách giống bạn sẽ từ từ yêu mến bạn.
Bạn thấy đấy USP đơn giản phải không nào.
USP đến từ chuyên môn chính
Để giải thích về USP từ góc nhìn này, mình nhớ đến ngay ngách viết.
Bạn có thấy hiện nay có rất nhiều người đang làm về ngách này không. Không chỉ ngách viết mà khá nhiều ngách đều có nhiều người làm. Rất ít ngách mà chưa ai đụng tới.
Đối với ngách viết, tại sao cạnh tranh như vậy nhưng mà ai cũng sống và đang kiếm thu nhập rất tốt từ nó. Bởi ngách viết được chẻ ra thành nhiều ngách nhỏ khác nữa, tuỳ thuộc vào chuyên môn người hướng dẫn.
-Bạn Hoà Lương có chuyên môn viết báo, nên bản sắc của bạn là viết các dạng tản văn đăng trên báo
-Chị Nguyễn Thiên Ý lại có nét riêng của một người làm Ghostwriter
-Bạn Tú Anh làm mình nhớ đến viết trên Social Media
-Em Hải Dương với bản sắc người viết Blog chuyên ra đơn
…
Cũng trong Workshop Huy đề cập ở trên. Chị Ngọc Võ Norah có chia sẻ về cách tìm ra USP rất thú vị “Chị nhận ra là mình biết cách hướng dẫn người khác ‘cách tìm ra insight’. Bởi hướng dẫn nhân viên, đào tạo cấp dưới từ kiến thức căn bản là việc chị phải làm hằng ngày trong suốt 10 năm”.
Ai có chuyên môn lâu năm ở đâu, thì họ phát huy mạnh mẽ điều đó trên Social Media, Blog của họ, nó trở thành USP khiến người khác nhớ lâu lúc nào không hay.
USP đến từ sự chăm chỉ
Vậy một bạn chưa có kinh nghiệm lâu năm như các anh chị ở trên, có cách nào để họ nhìn thấy USP không?
Có chứ. Nếu vậy bạn phải chăm chỉ thôi. Chăm chỉ để xây dựng nền tảng cho mình.
Chăm chỉ và đặt hết cái tâm vào những ngách mình lựa chọn.
Bạn liệt kê ra vài ngách yêu thích mình dự định làm, sau đó bạn thử làm cho mỗi ngách tầm 3 tháng để xem thực tế như thế nào.
Bạn quan sát cách mình làm, cách phản hồi của người khác với những sản phẩm của mình, để bạn nhận ra điểm độc nhất của mình, hay điều mình làm tốt đang được công nhận.
Sự chăm chỉ này phải dựa trên cái tâm của mình khi tạo ra giá trị. Nếu bạn đặt cho mình một tiêu chuẩn cao, Huy tin chắc bạn sẽ nhìn ra USP của mình sớm thôi. Bởi việc nâng dần tư duy, kỹ năng để giá trị của bạn tăng lên thì sản phẩm bạn tạo ra nó giống như một tác phẩm. Biết đâu cái tác phẩm do bạn đặt hết tâm vào lại trở thành điều đặc biệt thì sao.
Song song với việc chăm chỉ, bạn cũng thường xuyên lắng nghe nhu cầu của độc giả/khách hàng để cải tiến. Liên tục tăng giá trị của mình, tăng đáp ứng nhu cầu cho người khác, thật sự USP sẽ sớm xuất đầu lộ diện mà thôi.
Trên đây là góc nhìn + 3 cách đơn giản khám phá ra USP, bước đầu quan trọng để Marketing Website hiệu quả. Bạn có thấy thú vị không, nếu có bình luận bên dưới mình biết nhé!