MỤC LỤC
===
Tất cả những gì có trên Website từ con chữ, hình ảnh, video đều là nội dung: thiết kế, tên miền, trang chủ, trang chuyên mục, bài viết blog, sản phẩm/dịch vụ…, tất cả đều là nội dung.
Muốn tạo nội dung thì không nên tạo nội dung.
Điều này nghe có vẻ trái ngược, nhưng sẽ phù hợp nếu bạn biết rằng…
…muốn tạo nội dung hiệu quả thì cần dừng lại để thấu hiểu trước tiên, để kế hoạch Marketing đi Đúng và Trúng đích.
Vậy cần thấu hiểu điều gì? Mời bạn đọc tiếp đi qua từng bậc thang của sự thấu hiểu nhé! Huy tin bài viết này không lạ lẫm với mọi người, nhưng lại ít người chậm lại để thấu hiểu toàn bộ trước khi bắt tay hành động.
Thấu hiểu chính mình
Hiểu mình khi biết nhìn vào chính mình, hiểu mình cũng là khi nhìn vào người khác để mà suy lại chính mình.
Trong việc lên chiến lược nội dung Website cũng tương tự, thấu thấu hiểu chính mình có 2 việc cần làm: nhìn trực diện vào nguồn lực chính mình một cách trung thực và nghiên cứu đối thủ cạnh tranh một cách sâu sắc.
>>>Phần này Huy cũng có chia sẻ tổng quát ở bài viết “6 bước lập kế hoạch Marketing Website tổng thể từ A-Z", riêng bài này Huy đi sâu hơn vào từng khía cạnh.
Nhìn lại mình
Để nhìn lại mình một cách toàn diện, chúng ta sẽ có 4 khía cạnh nhìn lại: ý tưởng, nguồn lực cá nhân, tài chính và tài liệu có sẵn.
Nhìn lại ý tưởng
Xác định ngách chủ đề Website: đó là chủ đề rộng, hay chủ đề ngách; chủ đề này có phải chuyên môn chính (có nhiều năm kinh nghiệm), hay là sở thích, hay là chủ đề mới nhưng có tiềm năng thu nhập… Bạn càng làm rõ được ngách chọn, lí do chọn và mục tiêu cụ thể thì bạn sẽ biết mình cần làm gì tiếp theo.
Xác định thông điệp chính: đối với ngách đã chọn bạn định truyền tải thông điệp chính nào - là một câu nói, hình ảnh mà khiến độc giả cứ nhớ mãi, vang vọng mãi trong đầu của họ. Thông điệp chính là điểm tựa để triển khai mạch content sau này. Thông điệp chỉ là một câu nhưng bật lên được sản phẩm + tính năng USP + cảm xúc.
Ví dụ:
Web1trang - Thông điệp “Thiết kế Website & Landing Page - Tối ưu từng trang một”
Cocoon - Mỹ phẩm thuần chay - Cho nét đẹp thuần Việt
Xác định chiến lược: đó có thể là ý tưởng về “flow user" , “sale funnel", hay UX/UI hoặc một ý tưởng khác biệt nào đó bạn chưa thấy xuất hiện trên thị trường.
…còn nhiều nữa những ý tưởng Huy chờ bạn bình luận bên dưới.
Nhìn lại nguồn lực cá nhân
Năng lực: năng lực có thể là chuyên môn chính hay một điểm nổi bật (USP), là điểm mạnh và cả điểm yếu của bạn nữa. Bạn càng liệt kê rõ năng lực bao nhiêu thì bạn sẽ biết cách lên chiến lược tốt bấy nhiêu, trong template kế hoạch Marketing Website cũng đã có nhắc đến chỗ này.
Quỹ thời gian: nếu dự án Marketing Website này là công việc fulltime thì quỹ thời gian và mức tập trung của bạn sẽ nhiều hơn, nhưng nếu đây chỉ là công việc part time hoặc bài tập cho một khóa học, hay bạn đang tìm hiểu cho vui thì dĩ nhiên bạn không thể để thời gian chiếm quá nhiều. Nhờ biết được quỹ thời gian, mà sau này bạn sẽ biết chọn mục tiêu phù hợp, có thể mục tiêu là viết - share bài trong 3 tháng đầu, thay vì lên được phễu bán hàng.
Cảm xúc, động lực: nếu bạn có được động lực (lý do chính đáng) để làm kế hoạch Marketing Website thì Huy sẽ không bàn đến nữa, nhưng nếu bạn chưa có thì cách đơn giản là dựa vào cảm xúc.
Bản thân mình mặc dù lí tính trong công việc, nhưng điều làm mình theo đuổi đến cùng lại dựa vào cảm xúc, hay chính xác hơn là cảm nhận. Có thể bạn chưa có lý do chính đáng để làm, nhưng nếu cảm nhận là muốn làm bạn có thể bắt đầu ngay. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy có điều gì chưa rõ ràng, đang cảm nhận có gì đó lấn cấn thì dừng lại để suy nghĩ thêm cũng không sao.
Nhìn lại tài chính
Tài chính là câu chuyện hiển nhiên mà ai cũng hiểu, nhưng thời gian đầu nhiều người không cân nhắc nên tốn chi phí rất nhiều, để rồi bỏ cuộc giữa chừng.
Huy thấy nhiều người có nguồn tài chính tốt, thương hiệu cũng tốt nên chiến lược của họ là đánh mạnh vào diện rộng. Họ chạy đa kênh kéo traffic + thu data, làm hệ thống CRM để chăm sóc khách hàng, làm Marketing theo hành trình phễu chuyên nghiệp => thu về nhiều kết quả tốt.
Nhưng đó là câu chuyện của một số người có tiền.
Còn với đa số nhiều người thì lại chưa sẵn sàng, do đó chiến lược vẫn nên “đi nhỏ thắng nhỏ", làm chậm từng bước, tối ưu hoá doanh thu từng bước.
Nhìn lại được quỹ tài chính sẵn sàng chi trả cho đợt Marketing Website sắp tới, bạn cũng phần nào biết mình nên làm gì.
Nhìn lại nguồn tài liệu
Các kênh có sẵn owned media (kênh của bạn như Facebook cá nhân, Fanpage, Instagram…), earned media (kênh nào mà khách hàng truyền miệng sản phẩm của bạn).
Thông qua các kênh, bạn quan sát các chỉ số như số lượng truy cập (organic traffic, paid traffic), tỷ lệ thoát trang (bounce rate), thời gian trên trang (time on page), tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate)...thông qua các báo cáo này bạn có thể đánh giá tình hình hiện tại các kênh của mình một cách chính xác.
Mối quan hệ: đó là mối quan hệ offline, danh sách bạn trên Facebook cá nhân, đối tác, người thân…bạn nhìn lại xem ai có thể giúp đỡ mình (chuyên môn, marketing, SEO, content…) để tận dụng trong thời gian đầu lên kế hoạch.
Các khóa học liên quan: bạn tổng hợp lại tất cả khóa học + tài liệu (video, văn bản) mình đã có để ôn lại kiến thức, hoặc xem khoá học nào khác có thể giúp mình. Hoặc các công cụ cần thiết cho dự án là gì, bạn nên mua cái nào, nên mượn hoặc thuê cái nào để tiết kiệm chi phí.
Kiến thức nền tảng: tư duy marketing, chiến lược content, kỹ thuật SEO.
…Huy liệt kê một số nguồn tài liệu như trên, bạn tự liệt kê thêm nhé!
Nhìn đối thủ
Nếu là một chiến dịch Marketing tổng thể, bạn sẽ có rất nhiều cách để nghiên cứu đối thủ của mình; nhưng đối với Website Huy khuyên bạn nên sử dụng từ khoá để tìm hiểu đối thủ.
Bởi kênh chính của bạn là Website, điều mà bạn tập trung nhắm tới đầu tiên là Website của bạn được xuất hiện top đầu thanh tìm kiếm Google, cho nên bạn hãy tìm đối thủ bằng Keyword.
Có 2 dạng đối thủ Huy cần bạn xác định rõ: đối thủ từ khoá và đối thủ Website.
Đối thủ từ khoá: là những bài viết được lên top 1-10 trên thanh công cụ tìm kiếm có sử dụng từ khóa giống với từ khóa bạn định chọn.
Đối thủ Website: là những website có cùng ngách hoặc cùng lĩnh vực với Website của bạn.
Cách làm là bạn hãy tìm ra được “seed keyword (từ khóa hạt giống), dựa trên ngách đã chọn. Ví dụ Web1trang sẽ dùng từ khoá hạt giống là “thiết kế website” hoặc “thiết kế landing page, sau đó đưa vào công cụ tìm kiếm Google để xem kết quả.
Bạn có thể liệt kê top 5 bài viết và 3 website đối thủ để phân tích một số yếu tố dưới đây:
Tên thương hiệu
Cấu trúc Website: giới thiệu, các chuyên mục, trang sản phẩm…
Nội dung: chuỗi bài viết liên kết với nhau
Phễu bán hàng
Bài viết: nội dung, hình ảnh, lời dẫn, call to action, tối ưu SEO (tiêu đề, thẻ meta, alt text…)
…
Bạn liệt kê trong file excel theo từng hạng mục để dễ dàng so sánh điểm khác biệt giữa các trang, các bài viết. Khi có được bức tranh tổng quan về đối thủ, bạn so sánh với những thông tin về chính mình để biết xem chiến lược tiếp theo cần làm gì.
Nhờ bạn tìm kiểu chi tiết về đối thủ sẽ giúp bạn có khung tiêu chuẩn cho Website của mình, chất lượng nội dung của bạn sẽ bằng hoặc hơn đối thủ.
Thấu hiểu độc giả
Thấu hiểu độc giả là nhìn thấy,
một con người thật - là độc giả/khách hàng có tiềm năng sẽ chú ý và quan tâm đến website của bạn.
Và nhìn thấy cả toàn bộ quá trình mà độc giả tương tác với website của bạn, từ khi họ biết đến nội dung trên trang cho đến khi họ nhấn vào nút mua hàng, sử dụng và trở thành độc giả trung thành; thậm chí có thể chia sẻ Website của bạn đến nhiều người khác.
Thấu hiểu độc giả chính là bạn lưu trữ lại gần như hết các điểm tiếp xúc (touch point) mà độc giả đi qua từng trang trên Website; bao gồm hành vi, suy nghĩ và cảm xúc.
Vậy để có cái nhìn thấu suốt gần như là toàn bộ về độc giả, bạn cần làm gì. Huy chia sẻ bạn đi từng bước nhé!
Bước 1: Nhìn lại mục tiêu chiến dịch Marketing Website
Bạn lật giở lại Template, xem lại phần Smart Goal đã được Huy chia sẻ trước đó, và cùng nhắc lại một lần nữa mục tiêu cho chiến dịch Marketing Website lần này là gì?
Bạn muốn tăng lượt Organic Traffic cho trang
Bạn muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi từ 2% -> 5%
Bạn muốn tăng nhận biết về bộ nhận diện thương hiệu
…
Cùng nhìn lại mục tiêu ban đầu sẽ giúp bạn nhìn ra được mình cần thấu hiểu độc giả để làm gì.
Bước 2: Gọi tên chân dung khách hàng
Có 2 cách để xác định được chân dung khách hàng.
Cách 1: Gọi tên một cách chuyên nghiệp
Đó là bạn mô tả chi tiết về khách hàng bao gồm: nhân khẩu học (tên, nghề nghiệp, tuổi, giới tính, nơi ở…), sở thích, tính cách, lý do mua hàng. Bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây:
Độc giả/khách hàng tiềm năng của bạn là ai? (tên, nghề nghiệp, tuổi, giới tính, nơi ở…)
Họ đang gặp vấn đề nào mà liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn?
Họ mong muốn hay cảm thấy thỏa mãn nếu được đáp ứng về điều gì?
Họ biết đến bạn thông qua đâu?
Họ sẵn sàng chi trả bao nhiêu nếu biết bạn là nơi đáp ứng tốt?
Họ thường có sở thích gì?
Cách 2: Dùng cảm nhận
Đó là hãy nhắm mắt tưởng tượng độc giả/khách hàng đang đứng trước mặt bạn, và thường đó là một người bạn trông rất quen. Lúc này, bạn hãy bỏ qua hết tất cả những câu hỏi ở trên - những khuôn mẫu, bạn hãy tưởng tượng và mô tả họ bằng cảm nhận của chính mình.
Trông họ như thế nào? Nam hay nữ, có khuôn mặt, cử chỉ, hành vi ra sao, mặc quần áo gì
Đoán xem họ sẽ có sở thích, tính cách như thế nào?
Cảm nhận bạn và họ có đồng điệu về cảm xúc với nhau không? Nếu bài viết được xuất bản, người này có cảm nhận rõ những gì bạn chia sẻ không?
Sản phẩm của bạn có phải là sự giúp đỡ cấp thiết cho họ? Họ có cảm ơn bạn khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Họ có con cái, người thân, hay bạn bè như thế nào?
Tưởng tượng những câu nói cửa miệng - câu nói khi một mình hoặc có đông người họ thường hay nghĩ tới
….
Còn rất nhiều ý tưởng ở đây, bạn hãy thử nhé.
Sau cùng, bạn gom lại hết những dữ liệu dựa vào 2 cách, đúc kết lại và nhìn xem chân dung khách hàng của bạn có rõ ràng chưa nhé!
Bước 3: Vẽ hành trình khách hàng
Chỗ này khá đơn giản, bạn cứ tưởng tượng từng bước đi của khách hàng, xong ráp vào mô hình AIDA, bao gồm:
Attention (Chú ý)
Interest (Quan tâm)
Desire (Mong muốn)
Action (Hành động)
Bước 4: Bổ sung điểm chạm
Attention (Chú ý): Google ads, FB Ad, FB Post, bài viết top SEO, Video trên Youtube
Interest (Quan tâm): Email gửi hằng tuần, trang landing page sản phẩm
Desire (Mong muốn): Zalo Group tư vấn, số hotline, chatbot, remarketing
Action (Hành động): landing page mua hàng nhanh, chốt đơn hiệu quả, email cảm ơn…
Tạm thời phần thấu hiểu độc giả sẽ dừng lại ở đây, bạn càng làm thì lại càng đào sâu thêm được nhiều cách thu thập thông tin hay nhé. Nếu được, bạn có thể tham gia một khóa học về Insight chuyên nghiệp để có nhiều kiến thức và công cụ ứng dụng hơn.
>>>Đọc thêm: Cách lên chiến lược nội dung dài hạn hiệu quả
Thấu hiểu thị trường
Sau khi đã hoàn thành xong việc thấu hiểu chính mình + thấu hiểu độc giả, bạn cũng đừng bỏ qua việc tìm hiểu nhịp điệu thị trường - cụ thể là trong mảng Website.
Khi bắt đầu xây dựng Website có rất nhiều câu hỏi xoay quanh:
Website có thật sự bị lỗi thời so với các nền tảng phổ biến: Tiktok, Instagram, Youtube…
Website có thật sự trở thành Business Online - một kênh hiệu quả tính bằng lãi suất kép và tiết kiệm chi phí
Website có thể tự động hoá
Giao diện ảnh hưởng như thế nào đến việc mua hàng
…
Còn nhiều lắm những câu hỏi nghi ngờ, và chính bạn phải mở rộng ra tìm hiểu để giải tỏa hết những thắc mắc này. Một khi hiểu rõ thì bạn mới có thể an tâm lên kế hoạch, thực thi mà không sợ mình đi chệch hướng.
Để thấu hiểu thị trường, chúng ta cũng chia ra 2 khía cạnh: bối cảnh gần và xa.
Bối cảnh gần tính từ hiện tại -> 1,2 năm.
Bối cảnh xa tính từ hiện tại -> 5,10 năm.
Dưới đây là một số ví dụ Huy có thu thập được để các bạn tham khảo nhé!
Bối cảnh gần
18 THỐNG KÊ THÚ VỊ VỀ WEBSITE 2024
65% traffic website đến từ di động? Hay 94% ấn tượng đầu tiên về một website phụ thuộc vào thiết kế? Cùng khám phá 18 thống kê thú vị về website năm 2024 để hiểu rõ hơn về hành vi người dùng và tối ưu hóa website của bạn
-65% traffic website đến từ di động => Ưu tiên thiết kế web responsive để không bỏ lỡ khách hàng tiềm năng.
-94% ấn tượng đầu tiên liên quan đến thiết kế =>Đầu tư vào thiết kế web chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt.
-60% người dùng từ bỏ mua hàng vì trải nghiệm kém => Đảm bảo website mượt mà, dễ sử dụng để tăng chuyển đổi.
-59% người dùng thích thiết kế đẹp =>Đừng đánh giá thấp sức mạnh của thẩm mỹ web!
-0.5 giây để người dùng đánh giá website => Tạo ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên, kể cả thiết kế và nội dung.
-80% thời gian người dùng tập trung vào nửa trái trang= > Bố cục nội dung thông minh, tập trung vào bên trái.
-WordPress chiếm 42% tổng số website => Wordpress vẫn là bá đạo.
-WordPress "cân" 36% top 1 triệu website => Khẳng định sức mạnh và độ tin cậy.
-73% doanh nghiệp đầu tư thiết kế web để nổi bật => Website là một phần quan trọng.
-Chuyển đổi giảm 95% nếu web quá rối mắt => Thiết kế web tối giản, tập trung vào nội dung chính.
-88% người dùng không quay lại nếu trải nghiệm tệ => Trải nghiệm người dùng là trên hết.
-52% người dùng không quay lại vì thiết kế xấu => Đừng đánh giá thấp sức mạnh của thẩm mỹ.
-83% người dùng muốn trải nghiệm liền mạch trên mọi thiết bị => Thiết kế web responsive là bắt buộc.
-Đầu tư 1$ vào UX, thu về 100$ => Tầm quan trọng của UX.
-Thiết kế UI/UX tốt tăng chuyển đổi đến 400% => Đừng ham làm website giá rẻ nữa huhu.
-88% người dùng ở lại lâu hơn trên web có video= >Tận dụng sức mạnh của video marketing.
-81% người dùng bỏ dở form đăng ký: Thiết kế form đơn giản, dễ điền, ít trường thông tin hoặc chia thành nhiều bước.
-Người dùng di động từ bỏ tác vụ gấp 5 lần nếu web không tối ưu => Ưu tiên trải nghiệm trên di động.
***Nguồn: Sưu tầm
Bối cảnh xa
Chỉ cần 2 lý do này thôi là đủ để bạn cảm nhận được Website sẽ vẫn còn giá trị về mặt dài hạn. Đây là thông tin được trích dẫn từ trang Hubspot.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và cùng thực hành với nhau. Cuối bài viết này bạn chỉ cần nhớ vài điều thế này.
Trước khi lên chiến lược nội dung chúng ta cần thấu hiểu trước tiên
Thấu hiểu gồm 3 khía cạnh: thấu hiểu chính mình, thấu hiểu độc giả và thấu hiểu thị trường
Liệt kê hết tất cả thông tin có được, đúc kết thông tin, hành động và bổ sung thêm thông tin
Sau bài viết này cho mình biết cảm nhận ở phần bình luận bên dưới nhé!