top of page

Nội lực website – 2 trụ cột cần có khi làm Marketing Website

Sau gần 8 năm làm về Digital Marketing, nghiên cứu sâu về kiến thức, các chiến lược và nhiều case study thành công trong việc Marketing Website, Huy nhìn thấy một điều cốt lõi – là điều mà bất cứ dự án cũng áp dụng được, cụ thể là Website.

Đó là bên trong – bên ngoài. Đây là 2 trụ cột vững chắc, 2 yếu tố then chốt giúp làm marketing website thành công. Vậy cụ thể nó là gì, cùng đi tiếp bài viết nhé!

Trụ cột bên trong – Xây “nội lực” cho Website

Như bài trước Huy có chia sẻ về cấu trúc Website, nó không đơn thuần chỉ là một nơi để đăng tải nội dung. Google chấm điểm Website dựa trên cấu trúc như một công ty – nơi đó có phòng ban, quy trình, mối liên kết, sản phẩm…

Do đó, yếu tố bên trong là một tập hợp các điều kiện cần thiết để giúp Google hiểu được Website có tiềm năng để phát triển. Yếu tố này thuộc quyền kiểm soát của bạn, nằm trong phạm vi bạn có thể cải tiến liên tục.

Vậy đó là những gì?

  1. Khách hàng tiềm năng: hình dung một cách cụ thể chân dung một khách hàng tiềm năng – người sẵn sàng đón nhận giải pháp của bạn và trong tương lai sẽ mua hàng.

  2. Điểm khác biệt: nổi bật trên những giá trị trao đi đâu là điểm khác biệt từ bạn mà giúp khách hàng ấn tượng, giúp nhớ bạn lâu hơn (tên, màu sắc, giúp đỡ, hài hước, khác lạ, bất ngờ…)

  3. Nội dung: Từ việc tìm ra khách hàng tiềm năng và điểm khác biệt, bạn sẽ biết chiến lược nội dung cần cung cấp là gì. Lớp vẻ ngoài của nội dung có thể hấp dẫn, thu hút khách hàng, nhưng sâu bên trong nội dung trao đi phải thực sự giải quyết được vấn đề họ đang cần.

(Mẹo nhỏ: tận dụng việc tìm kiếm từ khoá để biết được chính xác câu hỏi của khách hàng, từ đó viết bài thật cụ thể để giải quyết vấn đề của khách hàng)

  1. Trải nghiệm người dùng: Ngay từ giây phút chạm mặt với khách hàng, giao diện trang quyết định khách hàng ở lại bao lâu trên trang. Yếu tố giúp giữ chân khách hàng có thể kể đến: Giao diện thân thiện, dễ thao tác và tốc độ tải nhanh.

  2. Chuyển đổi: Sau khi đọc nội dung giá trị, khách hàng nhận ra họ cần bạn nhiều hơn và sẵn sàng chi tiền để sử dụng dịch vụ/sản phẩm của bạn. Việc thiết kế phễu, điều hướng khách hàng thực hiện hành động (mua hàng, đăng ký…) là rất quan trọng để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.

  3. SEO Onpage: Các yếu tố trên nhằm thoả mãn người dùng, thì tối ưu Onpage là để thỏa mãn con bot của Google. Nó được cài đặt để đọc hiểu những mã code khác với chúng ta. Cho nên, chúng ta cần tối ưu Onpage trên toàn trang và trong bài viết chi tiết để giúp con bot hiểu được nội dung trang có giá trị như thế nào với người dùng, từ đó giúp đưa bài viết lên top 1 tìm kiếm.

  4. Xây dựng liên kết: Với các nội dung đã sẵn có, bạn có thể liên kết các bài viết với nhau (Internal link) để giúp người đọc đi sâu vào nội dung, từ đó có thể giữ chân thời gian đọc trên website lâu hơn. Ngoài ra, mối liên kết này cũng giúp con bot Google hiểu được cấu trúc nội dung của bạn từ tổng quan -> đi sâu chi tiết.

  5. Phân tích: Sử dụng công cụ phân tích như Google Analytics, Google Console, Clarity của Microsoft để theo dõi số liệu người vào trang, từ đó lên kế hoạch cải thiện những điểm chưa tốt. 

Trụ cột bên ngoài – Tiếp thị

Sau khi phần trụ cột bên trong ngôi nhà website đã hoàn thành phần nền tảng, bạn sẽ tự tin để giới thiệu trang của mình đến với mọi người bằng những cách sau.

Lúc này, bạn biết khách hàng tiềm năng ở đâu, bạn sẽ hiện diện ở đó.

  1. Kéo traffic bị động: Khi bạn tối ưu SEO Onpage ở trụ cột bên trong, lúc này tầm 3-6 tháng Google sẽ bắt đầu index bài viết và xem xét để đưa bài viết của bạn lên kết quả tìm kiếm. Nếu bài viết nào được lọt vào top 10 Google, lúc ấy website của bạn sẽ có traffic.

  2. Kéo traffic chủ động: Để hỗ trợ cho việc đánh giá Google tốt hơn lên top tìm kiếm, bạn có thể kéo traffic từ các kênh social media, email…Thêm nữa, bạn có thể chủ động index từng bài viết sau khi xuất bản, như vậy sẽ giúp trang của bạn được biết tới nhiều hơn.

  3. Backlink: Xây dựng liên kết từ website uy tín khác bằng cách đặt liên kết từ các trang web uy tín và liên quan, có thể là guest post hay backlink.

  4. Tăng độ phủ: bằng cách quan hệ với báo chí, truyền thông hoặc tham gia các diễn đàn, nhóm để kết nối với khách hàng tiềm năng. Bạn có thể để lại dấu vết Website của mình bằng bình luận hay đường link bài viết.

Vậy nên chọn trụ cột nào để làm Marketing Website?

Thực tế thì trụ cột nào cũng quan trọng, bạn cần kết hợp cả hai điều này theo từng giai đoạn. Bởi một website có “nội lực” mạnh mẽ nhưng không được quảng bá hiệu quả sẽ khó có thể tiếp cận được nhiều khách hàng. Ngược lại, một website được quảng bá rầm rộ nhưng nội dung kém chất lượng sẽ không thể giữ chân khách hàng, chuyển đổi kém.

Thứ tự Huy áp dụng để kết hợp sẽ là BÊN TRONG ⇒ BÊN NGOÀI, là tối ưu bên trong trước rồi mới marketing ra bên ngoài.

Khi viết tới đây, Huy liên tưởng tới bản thân mình. Vào những năm trước khi mà Huy chưa có nội lực vững vàng, lúc nào cũng xông xáo hành động nhưng rồi nhận về cho mình nhiều cú ngã rất đau, nhưng nhờ làm sai rồi sửa liên tục mà Huy dám dấn thân, nhận phản hồi để cải thiện.

Huy chọn “hoàn thành hơn hoàn hảo” cho nên với chủ đề Marketing Website bản thân mình đã từng viết một loạt bài trên Facebook cá nhân, rồi sau đó chia sẻ trong Workshop với Hải Dương, và đến giờ thì mình mới tự tin đóng gói toàn bộ kiến thức thành một chuỗi bài viết như hiện nay.

Huy không chờ đợi mà phần nào hoàn thiện thì mang đi truyền thông để nhận về ý kiến phản hồi, để rồi tiếp tục chỉnh sửa.

Vậy mới thấy, marketing trong cuộc sống đều có sự liên hệ và điểm tương đồng. Marketing cũng chính là cuộc sống mà.Marketing website không phải là một cuộc đua nước rút, mà là một cuộc marathon đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng.

Đôi khi, tại THỜI ĐIỂM NÀO ĐÓ “Website nào còn chạy thì website đó thắng, đứa nào còn làm trong ngách đứa đó thành công”.

0 lượt xem0 bình luận
bottom of page