MỤC LỤC:
===
Marketing Website là gì? Vì sao Freelancer (Người làm tự do), Solopreneur (Người kinh doanh chuyên môn), SME (Chủ doanh nghiệp nhỏ) cần có Website và truyền thông tới độc giả/khách hàng tiềm năng.
Vì sao trước khi Marketing Website cần có bảng kế hoạch cụ thể từ A-Z? Cách làm như thế nào?
Phần chia sẻ bên dưới chắc chắn sẽ làm cho bạn hài lòng.
Tuy nhiên, trước khi đi tìm câu trả lời, chúng ta nên chậm lại để hiểu sâu hơn về định nghĩa căn bản “Marketing là gì?”.
Đây là kiến thức căn bản nhiều người đã bỏ qua dù đang làm Marketing hằng ngày. Huy cũng không ngoại lệ, dù đã làm Digital Marketing được hơn 8 năm, hiện tại đang bắt đầu trở thành Solopreneur từ tháng 7/2023, nhưng đến khi làm chuỗi bài viết này mình mới thực sự nghiêm túc đào sâu.
Marketing là gì?
Marketing có nhiều định nghĩa từ đơn giản đến phức tạp.
Trong mô hình trao đổi hàng – hàng (trao đổi sản phẩm) hoặc hàng – tiền – hàng (trao đổi bằng tiền), nếu có sản phẩm muốn bán bạn phải “la làng” cho người có nhu cầu, họ sẽ biết để đến mà mua sản phẩm của bạn.
Marketing đơn giản là như thế.
“Marketing chính là quá trình tìm kiếm những người có nhu cầu phù hợp với giá trị sản phẩm của bạn” (trích video anh Nguyễn Hữu Trí, phút 18:50)
“Nếu bạn có thứ gì đó muốn bán, thì bạn phải làm Marketing” (Trích Hubspot “Lịch sử ngành Marketing”)
Trải qua hàng trăm năm, Marketing đã phát triển phức tạp hơn rất nhiều. Từ những mẫu quảng cáo tờ rơi, tạp chí, tivi…đơn giản, cho đến những công cụ phức tạp hơn như SEO, Mobile Ads, Email, Social Media…
Marketing giờ đây không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ “la làng” cho người mua biết sản phẩm của bạn.
“Marketing is the process of getting people interested in your company’s product or service. This happens through market research, analysis, and understanding your ideal customer’s interests. Marketing pertains to all aspects of a business, including product development, distribution methods, sales, and advertising.” (Trích Hubspot “What is marketing“)
Marketing bây giờ là một chuỗi những công việc gắn liền mật thiết với công việc kinh doanh, gần như là toàn bộ các qua giai đoạn. Marketing bao gồm nghiên cứu thị trường – khách hàng, chiến lược sản phẩm – bán hàng, chiến dịch quảng cáo – truyền thông, tương tác với khách hàng…
Dù phức tạp như thế nào thì giá trị nguyên bản vẫn còn đó. Nếu chỉ nhớ một điều về Marketing, Huy mong bạn nhớ được điều này.
“Marketing refers to any actions a company takes to attract an audience to the company’s product or services through high-quality messaging. Marketing aims to […], with the long-term goal of demonstrating product value, strengthening brand loyalty, and ultimately increasing sales.
"Marketing có thể là bất cứ hành động nào,
miễn sao bạn thu hút được độc giả/khách hàng tiềm năng nhớ đến sản phẩm/dịch vụ của mình
thông qua những thông điệp có giá trị cao.
Thông điệp này về lâu dài giúp thể hiện rõ giá trị sản phẩm của bạn,
giúp khách hàng tin tưởng mạnh mẽ vào thương hiệu
và cuối cùng là tăng doanh số bán hàng".
Marketing Website là gì?
Hiểu về Marketing, bạn cũng sẽ hiểu về Marketing Website.
"Marketing Website là bất cứ hành động nào,
miễn sao bạn thu hút được độc giả/khách hàng tiềm năng nhớ đến website,
thông qua những thông điệp có giá trị cao.
Thông điệp này thể hiện rõ thương hiệu, nội dung, sản phẩm/dịch vụ
để rồi họ vào trang xem (từ paid traffic hoặc free traffic), yêu thích, tin tưởng, chuyển đổi thành doanh số (traffic tạo ra tiền từ banner ad, ủng hộ bằng tiền, mua sản phẩm từ link affiliate, mua sản phẩm của bạn…) và quay lại nhiều lần kế tiếp".
Hành trình độc giả/khách hàng
Về bản chất, marketing website cũng giống như nhiều hình thức digital marketing khác, nhưng điểm khác biệt là mọi thứ đều diễn ra trên website. Các kênh khác là hỗ trợ truyền thông, kéo người đọc/khách hàng về trang website.
Ví dụ: Traffic từ social media tăng tiếp cận nhanh, rộng ⇒ Dẫn về nội dung trên website chuyên môn sâu hơn ⇒ Dẫn link “Đăng ký”, “Mua hàng” thông qua website ⇒ Học tập, vận hành, và nhiều hoạt động khác nếu website là một business online (Biz).
Tuỳ vào bạn là Freelance, Solo, hay SME mà loại website sẽ khác nhau, nội dung và sản phẩm cũng khác nhau; mục tiêu chiến lược marketing tại thời điểm đó, cách phô diễn website đến với độc giả sẽ khác nhau, với những thông điệp khác nhau.
Tuy khác nhau, nhưng hành trình độc giả/khách hàng tiếp nhận thông tin đa phần giống nhau, đi qua 4 giai đoạn từ NGOÀI vào TRONG:
Giai đoạn 1: Tiếp nhận thông tin
Giai đoạn 2: Điểm chạm nội dung trên Website
Giai đoạn 3: Vào Website nghiên cứu sâu
Giai đoạn 4: Hành động tiếp theo
BÊN NGOÀI | BÊN TRONG | ||
GĐ1: Tiếp nhận | GĐ2: Điểm chạm | GĐ3: Nghiên cứu | GĐ4: Hành động |
Kênh của bạn: Fanpage, Facebook cá nhân, Group, Email, Youtube, Tiktok, Instagram… | Điểm chạm 1: -Tiêu đề bài viết -Hình thumb bài viết | Thông tin chung: -Trang chủ -Các chuyên mục -Về chúng tôi … | Để lại dấu vết: -Thoát trang -Tương tác: like, comment… -Lưu URL vào dấu trang … |
Kênh khác: Google Ad, Bạn bè, Group cộng đồng, Guest Post… | Điểm chạm 2: -Nội dung bài viết -Thiết kế UX/UI trang bài viết -Trang landing page sản phẩm -Trang chủ … | Phát sinh nhu cầu: -Sản phẩm dịch vụ -Blog … | Thoả mãn nhu cầu: -Mua hàng -Giới thiệu người khác … |
Phần hành trình này Huy không giới thiệu cho vui, nó thực chất là dùng trí tưởng tượng để mô phỏng độc giả/khách hàng đi ngược từ bên ngoài tiến vào sâu bên trong website.
Việc tưởng tượng rõ ràng, cụ thể từng đường đi nước bước, hay tâm lý của khách hàng sẽ giúp cho phần sau – phần lên kế hoạch Marketing Website dễ dàng hơn, đi đúng hướng và tạo ra kết quả chuẩn xác hơn.
Cho nên hãy đọc đi đọc lại phần này, nghiền ngẫm và tưởng tượng hành trình của riêng mình.
Ưu điểm làm Marketing Website
Website là một kênh mà bản thân mình rất thích, nó không mới nhưng luôn hiệu quả nếu làm đúng. Website là sự tập trung của Biz vừa là kênh marketing, vừa là nơi bán hàng, không những lo gánh nặng traffic mà còn nơi hỗ trợ vận hành cho hệ thống kinh doanh.
Nó không chỉ là một công cụ, mà còn là tư duy chiến lược giúp bạn xây dựng và phát triển bền vững, bởi nó hội tụ 5 ưu điểm sau đây:
Đo lường hiệu quả: Dễ dàng đo lường hiệu quả các chiến dịch marketing website thông qua các công cụ phân tích như Google Analytics, Wix Analytics…
Dễ phân loại khách hàng: Nếu mạng xã hội giúp tiếp cận rộng và nhanh thì website giúp “lọc” và thu hút “đúng” đối tượng quan tâm đến chủ đề của bạn, đặc biệt là với các website chuyên môn (ngách). Điều này giúp tăng khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự.
Dễ điều hướng: Website là “sân chơi” của riêng, bạn có thể hướng dẫn khách hàng đọc thêm nội dung khác, tìm hiểu sản phẩm hay truy cập tài nguyên dễ dàng.
Lũy tích hiệu quả: Mọi kênh marketing đều có khả năng tăng trưởng và tích lũy kết quả theo thời gian. Tuy nhiên, website có lợi thế đặc biệt là khả năng thu hút traffic thụ động. Google hoạt động trên khả năng trả thưởng traffic, nếu xây dựng nội dung tốt Google sẽ đánh giá kênh mang giá trị, bằng một cách nào đó Google cho bạn organic traffic theo hiệu ứng lãi suất kép.
Đóng gói: Mọi hoạt động của web1trang.vn mình chọn ra những gì hiệu quả nhất để đóng gói lên website. Đó là những bài viết kinh nghiệm, những tài liệu cần thiết cho khách hàng, template, khóa học… Việc đóng gói liên tục giúp website biến thành kho nội dung đồ sộ, xịn hơn.
Điều kiện cần và đủ để làm Marketing Website hiệu quả?
Dù biết website có nhiều ưu điểm, nhưng để vận hành toàn bộ như business online thì không hề đơn giản. Không phải bạn cứ mua domain, mua hosting, viết bài nội dung, chia sẻ lên social media là đã có thể tạo ra kết quả.
Một Website thành công ẩn chìm bên dưới là chiến lược kinh doanh được thiết kế rất bài bản, chặt chẽ. Để làm được điều này, dù bạn là Freelancer, Solo hay SME thì đều phải hội tụ đủ bộ 3 Mindset-Skillset-Toolset (Tư duy – Kỹ năng – Công cụ).
Tư duy: là tư duy, nhận định, quan điểm của bạn về một vấn đề, hay công việc. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả bạn làm ra.
Ví dụ: Nếu bạn có mindset rằng “Khách hàng là thượng đế”, bạn sẽ tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trên website. Bạn sẽ đầu tư vào nội dung chất lượng, thiết kế giao diện thân thiện, dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tâm.
Kỹ năng: là khả năng để bạn thực hiện công việc.
Ví dụ: Nếu bạn có kỹ năng viết lách tốt, bạn có thể tạo ra những bài blog hấp dẫn, những email marketing thuyết phục, hay những trang landing page “chất như nước cất”.
Công cụ: là phần mềm giúp bạn thực hiện công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Ví dụ: Nếu bạn sử dụng thành thạo Google Analytics, bạn có thể dễ dàng phân tích dữ liệu website, từ đó đưa ra những quyết định điều chỉnh chiến lược marketing hiệu quả hơn.
Vì vậy, trước khi lao vào thực hiện bất kỳ chiến dịch marketing nào trên website, hãy dành thời gian tìm hiểu Mindset-Skillset-Toolset (Tư duy – Kỹ năng – Công cụ) của chính mình, để em mình đang có những nguồn lực nào.
Bản kế hoạch Marketing Website tổng thể từ A-Z, đầy đủ
Những kiến thức nền tảng ở trên đã giúp bạn hiểu hơn những gì sắp làm, đã đến lúc bắt tay vào làm chiến lược. Bảng kế hoạch Marketing Website tổng thể từ A-Z phù hợp với cả 3 đối tượng Freelance, Solo, SME; phù hợp mục tiêu lớn hay nhỏ.
Hãy tải Template trước tiên, đọc hướng dẫn, xem mục tiêu và bối cảnh hiện tại của bạn, rút gọn hoặc mở rộng tuỳ ý theo nhu cầu cá nhân.
>>>Đăng ký nhận Template
Bước đầu là phần định hướng chiến dịch Marketing, bạn nghĩ mình đang muốn hướng đến điều gì trong 3 khái niệm dưới đây.
Định nghĩa mục tiêu (Goal), chiến lược (Strategy) và chiến thuật (Tatic)
Thông thường khi bắt đầu một kế hoạch nói chung, hay một kế hoạch Marketing Website nói riêng. Bạn sẽ thường liên tưởng tới bước chọn kênh nào để truyền thông, viết nội dung gì để đăng lên Facebook, đại loại vậy. Hành động, xuất bản và chờ kết quả.
Nhưng thật ra cách làm đó chỉ mới là một vài “task” rất nhỏ. Nó sẽ không mang lại kết quả nếu bạn không có bản kế hoạch. Để bắt đầu, bạn cần hiểu rõ 3 khái niệm bên dưới: Mục tiêu, Chiến lược và Chiến thuật.
Cụ thể 3 cái này sẽ như thế nào?
Bạn đề ra mục tiêu (Goal) tổng quan cho kế hoạch Marketing Website trong vòng 6 tháng là tạo thu nhập.
Sau đó bạn đề ra chiến lược (Strategy) áp dụng những cách thức để đạt được mục tiêu trong 6 tháng với từng cột mốc cụ thể từng tháng.
Tiếp theo bạn lên các chiến thuật (Tatic) với chi tiết các hành động và phương pháp cụ thể để đạt được mục tiêu ngắn hạn từng tháng.
Mục tiêu là những gì bạn mong muốn hay kết quả sẽ đạt được sau cùng.
Ví dụ: Mong muốn Website tạo ra thu nhập 10 triệu/tháng.
Chiến lược là cách làm để đạt được mục tiêu.
Ví dụ: Muốn tạo ra thu nhập thì sử dụng SEO tổng thể và Social Media cho việc bán sản phẩm khoá học, hoặc sản phẩm affiliate. Khoá học tạo ra 6 triệu/tháng, và sản phẩm affiliate là 4 triệu/tháng.
Chiến thuật là những hành động rất nhỏ, cụ thể, từng bước để bạn đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ví dụ: Kéo organic traffic từ SEO tổng thể khoảng 10,000 traffic/tháng, tỷ lệ chuyển đổi 5%. Traffic đến từ Social Media khoảng 5k view, chuyển đổi 2%.
Cái hay của chiến thuật là hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi để đi đúng chiến lược và mục tiêu. Có nghĩa là nếu có những thay đổi cần thiết, bạn không cần phải thay đổi mục tiêu hay chiến lược, bạn chỉ cần linh hoạt các chiến thuật nhỏ, làm sao để vẫn đi đúng định hướng ban đầu.
Tất cả những điều này tập hợp lại đều nằm trong một bảng kế hoạch Marketing Website. Càng làm rõ 3 khái niệm này, 6 bước tiếp theo trong bảng kế hoạch sẽ hiệu quả hơn.
6 bước lên chiến lược và kế hoạch Marketing Website
Bước 1: Định vị bản thân
Bước hiểu mình rất quan trọng gồm: hiểu mình như thế nào và hiểu mình đang ở đâu so với đối thủ.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, lời dạy của người xưa luôn đúng.
Để định vị đúng website, chúng ta sẽ đi tìm hiểu 2 khía cạnh: chính mình và đối thủ.
Nghiên cứu về chính mình:
- Bối cảnh: lĩnh vực bạn chọn có nhiều sự quan tâm, theo dõi thị trường gần đây xu hướng nào nổi trội, hay tương lai 5-10 năm nữa ngách bạn chọn có còn tiềm năng hay không…
- Điểm mạnh: liệt kê ra những thế mạnh của bạn làm tốt trong quá trình xây dựng website: chiến lược, nội dung, hình ảnh, tạo mối quan hệ…Nếu bạn làm tốt kỹ năng nào có thể tự làm, còn lại có thể thuê ngoài (outsource)…
- Điểm yếu: từ việc nhận diện điểm mạnh, bạn liệt kê ra được sở đoản để tránh không đụng tới, hoặc nhờ người khác làm giúp. Nếu chưa phải là chuyên gia trong lĩnh vực đã chọn, bạn hoàn toàn có thể trích nguồn sách, khóa học, hay các câu nói của chuyên gia khác… để tăng thêm uy tín.
- USP (điểm khác biệt): không cần quá nhiều điều khác biệt, bạn chỉ cần chọn một điểm duy nhất ấn tượng giúp người khác nhớ đến bạn là ai.
- Nguồn lực: rà soát lại xem bạn đang có gì owned media (kênh của bạn như Facebook cá nhân, Fanpage, Instagram…), earned media (kênh nào mà khách hàng truyền miệng sản phẩm của bạn), paid media (bạn định chạy quảng cáo kênh nào).
- Kiến thức nền tảng: tư duy marketing, chiến lược content, kỹ thuật SEO,…
Nghiên cứu về đối thủ:
-Đối thủ Keyword: đi tìm toàn bộ từ khóa liên quan đến ngách đã chọn, xem kết quả trả về hiểu nội dung các đối thủ đang lên top bài viết như thế nào.
-Đối thủ Website: lên danh sách các website có xu hướng làm nội dung tương tự, khám phá cách họ lên chuyên mục, làm chuỗi bài viết chi tiết, cách họ gắn liên kết nội bộ (internal link).
Điểm khác biệt khi tìm đối thủ bằng keyword là có nhiều website họ chỉ viết vài bài với cùng nội dung tương tự, chứ không phải toàn bộ nội dung đều cạnh tranh với mình, nên những bài đó là thuộc dạng đối thủ keyword.
Bước 2: Nghiên cứu độc giả/khách hàng
Chân dung độc giả/khách hàng
Khó khăn, mong muốn lớn nhất
Hành trình độc giả/khách hàng đi tìm giải pháp
Đối với tất cả các ngành nghề, không ngoại trừ Digital Marketing hay Website, điều tối quan trọng nhất là phải nắm rõ khách hàng cuối cùng sử dụng sản phẩm của bạn là ai.
Bởi biết đúng khách hàng, bạn mới làm đúng chiến lược. Tại sao việc định vị bản thân Huy lại cho lên trước là bởi, khi bạn hiểu rõ chính mình bạn sẽ biết nguồn lực của mình phục vụ tốt nhất cho ai.
Giữa cuộc sống ồn ào, quá nhiều thứ như hiện nay, sẽ rất đáng giá nếu người chủ website biết rõ mình như thế nào, biết người sắp nhận giá trị của mình là ai, và biết cách giao thoa giữa hai điều này để thành một giao điểm – một điểm nhấn mạnh mẽ giúp cả bạn và độc giả đều thu về được lợi ích.
Đúng người, đúng nhu cầu, đúng mong muốn, chắc chắn độc giả sẽ cảm ơn bạn vì nỗ lực nghiên cứu của bạn nhằm thoả mãn được họ. Chạm đúng vào điều ấy, họ mong bạn nhận tiền để giúp đỡ họ vượt qua được khó khăn.
Vậy thì để làm được điều đó, Huy chỉ cho bạn một cách cực kỳ đơn giản dễ làm.
Đó là:
Đầu tiên, hãy gọi tên chân dung khách hàng.
Ví dụ: Với chuỗi bài này, Huy đi thẳng vào 3 nhóm Freelancer, Solo, SME. Mình gọi thẳng tên độc giả ngay từ đầu bài, vẽ ra chân dung của họ một cách rõ ràng mà không che dấu, e ngại. Càng rõ ràng càng tốt và nói cho họ biết mình đang nhắm tới họ.
Thứ hai, tìm đúng nỗi đau và mong muốn lớn nhất.
Họ sẽ có thật nhiều nỗi đau, mong muốn; nhưng bạn hãy cố gắng lắng nghe giữa muôn vàn điều khó khăn ấy, đâu là điều đang lặp đi lặp lại, đâu là điều họ thổn thức.
Ví dụ: Huy biết 3 đối tượng này thường xuyên mua domain, hosting xong viết vài bài là để đó, hoặc họ lên chiến lược nội dung nhưng rồi viết được vài chục bài lại cảm thấy nản vì không có traffic, không có sản phẩm tạo ra chuyển đổi. Và rồi Huy biết giải pháp Marketing Website sẽ là cứu cánh hợp lý.
Thứ ba, vẽ lại hành trình khách hàng mô hình AIDA
Mô hình AIDA đã quá quen thuộc nhưng thường bạn sẽ khó thực hiện, bởi bạn không có một điểm neo. Vậy hãy lấy nỗi đau, mong muốn lớn nhất để dựa vào đó truy ngược về hành trình khách hàng. Bạn chỉ cần làm nháp trước, sau đó lên chiến lược nội dung và thử. Trong quá trình làm bạn điều chỉnh sau cũng chưa muộn.
Ví dụ: Ở hành trình này Huy tạm giữ bí mật nhé vì nó liên quan đến chuỗi bài phía sau, cho nên bạn hãy đọc hết các bài, tải template về để truy ra hành trình khách hàng mà Huy đang làm nhé!
Bước 3: Định hướng, mục tiêu và ngân sách
Smart Goal: đọc tham khảo để biết cách lên mục tiêu.
Ngân sách: bạn chia ra ngân sách cho từng hạng mục, ví dụ: chi phí nội dung, chi phí thiết kế, chi phí làm khoá học, chi phí SEO, chi phí quảng cáo…
Sản phẩm muốn bán: mục tiêu của bạn là chuyển đổi, vậy sản phẩm muốn bán là gì: khóa học, coaching 1:1, sản phẩm affiliate…
Bước 4: Chiến lược nội dung
Một số chiến lược nội dung có thể tham khảo:
Chiến lược Evergreen: có nghĩa là chọn sản xuất những nội dung mà có giá trị trong lâu dài, 5-10 năm nữa thì nội dung vẫn còn giá trị.
Chiến lược Pillar & Cluster: có nghĩa là có một bài Pillar tổng quan, sau đó để giải thích cụ thể hơn thì sẽ có nhiều bài Cluster bao vây xung quanh. Bạn gắn internal link từ bài Pillar sang các bài Cluster, và các bài Cluster dẫn ngược lại bài Pillar.
Bước 5: Quảng bá sản phẩm
Chọn kênh tiếp cận: một khi bạn rõ ràng về mục tiêu cho dự án, khách hàng mục tiêu, Huy tin bạn sẽ biết chính xác kênh nào cần truyền thông để khách hàng tiềm năng thấy được giá trị của bạn; để rồi họ quyết định mua hàng.
Các kênh tiếp cận: Social Media, Email, SEO, Ads…
Chiến lược chuyển đổi
Cách để tạo ra chuyển đổi thành doanh số, đó là bạn phải biết cách tạo ra phễu hội thoại. Quy trình này rất đơn giản đó là:
Làm cho mọi người chú ý tới bạn -> Xây dựng lòng tin và xem bạn như người có chuyên môn -> Tạo ra những offer mua hàng
Để tạo ra sự chú ý, bạn sử dụng thông điệp ấn tượng kết hợp với các kênh tiếp cận như đề cập ở trên để tạo ra một cuộc trao đổi.
Sau khi độc giả ấn tượng với bạn, họ sẽ vào kênh để xem. Tiếp theo cho độc giả biết bạn có chuyên môn thông qua chiến lược nội dung, có thể là chuỗi bài viết, ebook, template…
Và để tạo ra sự chuyển đổi, thì sau tất cả những trải nghiệm trên trang của bạn, điểm nào khiến họ đau nhất, khiến họ muốn được giải quyết nhất, bạn hãy offer họ bằng một dịch vụ/sản phẩm: khoá học, coaching, link sản phẩm affiliate (nếu bạn không có sản phẩm này).
Bước 6: Đo lường, cải tiến
Các chỉ số theo dõi, đo lường và cách tối ưu
Công cụ theo dõi
Tối ưu website là làm gì?
Và cuối cùng, sau khi đã lên kế hoạch, thực chiến với bộ template, bạn nên thường xuyên đo lường website của mình để kịp thời tối ưu. Ở phần này Huy chưa chia sẻ cụ thể vì sẽ có các bài viết liên quan chuyên sâu hơn, nhưng tập trung vào tư duy là chính. Bởi ở mỗi dự án thì phần đo lường và cải tiến cũng sẽ khác nhau.
Kết luận
Bài viết lên kế hoạch Marketing Website từ A-Z cũng đã kết thúc. Sau cùng bạn cần nhớ điều gì?
Hiểu bản chất của Marketing là làm sao để cho độc giả biết Website đang có sản phẩm giá trị nào phục vụ đúng nhu cầu của họ.
Muốn Marketing Website thành công, bạn hãy tưởng tượng mình là độc giả đi ngược từ ngoài vào trong, vậy điều quan trọng nhất để họ cảm thấy hấp dẫn -> tin tưởng -> mua hàng là gì?
6 bước thực hành lên chiến lược Marketing Website tổng thể từ A -> Z. Tải bộ template và bắt đầu thực hành.
Nào còn chần chừ gì nữa, tải template và làm ngay luôn. Nếu có bất kỳ khám phá nào thú vị trong quá trình thực hành hãy cho Huy biết ở phần bình luận bên dưới.
Nguồn tham khảo:
Hubspot: What is Marketing, and What’s Its Purpose? / The Ultimate Guide to Marketing Strategies & How to Improve Your Digital Presence / The History of Marketing: An Exhaustive Timeline [INFOGRAPHIC]
Neil Patel: What Is Digital Marketing? / How to Create an Online Marketing Plan that Will Grow (Nearly) Any Business / Marketing vs Advertising: Everything You Need To Know
Nguyễn Hữu Trí: Tiền bạc vốn dĩ không hề tồn tại (phút 18:50)