MỤC LỤC
===
Learning on Landing page - hình thức tạo chuỗi bài viết trên cùng một Landing page là cách để thu traffic cao, dài hạn mà thị trường Việt Nam chưa làm nhiều. Người dùng chỉ cần một đường link duy nhất để truy cập vào toàn bộ bài viết,
Phương pháp Learning on Landing page phù hợp với website chuyên về đào tạo, giáo dục hoặc các ngách chủ đề thiên về hướng dẫn chi tiết một quy trình.
*Phương pháp này tại Việt Nam chưa ai dùng nhiều, nên bạn hãy tận dụng làm nhanh để dẫn đầu thị trường.
Cùng đọc, cùng ứng dụng nào!
Hình thức Learning on Landing Page là gì?
Tên gọi Learning on Landing Page được Huy nghĩ ra khi lướt xem nội dung trên các Website nước ngoài. Họ thường sắp xếp chuỗi bài viết theo dạng từng chương, nội dung mỗi chương từ dễ đến khó, trong mỗi chương là các bài viết nhỏ hơn (cung cấp thông tin chi tiết cho mỗi chương).
Bạn gọi “Learning on Landing Page” hay “Learning Blog” đều được
Như đã chia sẻ ở trên, hình thức này kết nối các bài với nhau theo dạng chuỗi, được gắn trên cùng một Landing Page. Người dùng sẽ không cần tốn thời gian để tìm hiểu một chủ đề như trước, chẳng hạn: bấm vào một bài đọc, đi theo internal link (bị động), hoặc tìm kiếm vào ô kính lúp…
Với việc sắp xếp nội dung trên cùng một Landing Page, phân tầng thứ tự đọc trước sau vào từng hạng mục, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi tra cứu thông tin. Với một chủ đề đang quan tâm, họ chỉ cần ở lại trên một trang và tìm thấy gần như hết toàn bộ thông tin về chủ đề đó (nếu bạn làm nội dung đủ tốt, đủ sâu).
Có thể xem hình thức này như một khoá học online được diễn đạt bằng con chữ. Nội dung chuyên sâu chứng tỏ bạn là chuyên gia hoặc người am hiểu về chủ đề đang nhắm tới.
>>> Đọc thêm: BPTAA - Công thức lên chiến lược nội dung dài hạn
Lợi ích của Learning on Landing Page
Phải nói một điều rằng, mục đích của tất cả các chiến lược nội dung đều tập trung vào việc: thu hút traffic càng nhiều càng tốt và người dùng ở lại trang lâu nhất có thể (time on site). Phương pháp Learning on Landing Page cũng không ngoại lệ.
Phương pháp này mang đến nhiều lợi ích cho cả bạn, cho website và người dùng (win-win-win).
Cho bạn
Tính chuyên sâu:
Khi bạn tập trung viết đào sâu vào một chủ đề nhỏ, khai thác toàn bộ khía cạnh có trong chủ đề sẽ giúp bạn có được một lượng kiến thức chuyên sâu. Nhờ có kiến thức chuyên sâu bạn cảm thấy tự tin với chính mình khi xuất bản các bài viết. Bạn mong chờ người dùng đón nhận, tương tác nội dung và sẵn sàng trả lời các thắc mắc của người dùng.
Tiết kiệm nguồn lực:
Kiến thức trong cùng một chủ đề thường kết nối với nhau, đi từ ngoài vào trong. Có nghĩa là kiến thức sẽ đi từ tổng quan với một vài khía cạnh, sau đó mỗi khía cạnh sẽ đi sâu vào chi tiết. Như vậy bạn chỉ cần dành một khoảng thời gian đủ để nghiên cứu tất tần tật, rồi sau đó bắt tay vào viết một mạch nguyên chuỗi bài. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được nguồn lực, bao gồm: thời gian, ý tưởng và năng lượng.
Tạo độ uy tín:
Với số lượng bài viết chuyên sâu về một chủ đề, chắc chắn người dùng sẽ tin tưởng bạn hơn và gán cho bạn một nickname nào đó trong ngành. Ví dụ: Huy hay được gọi là Web1trang chuyên thiết kế Web, chi Ngọc Võ được nhắc đến như một chuyên gia Insight, chị Linh Phan được biết đến như một Solo Entrepreneur.
Cho Website
Chỉ số đo lường tăng:
Với nội dung chuyên sâu, người dùng sẽ ở lại đọc lâu hơn, giảm bớt được tình trạng đọc một bài và sau đó thoát ra khỏi trang. Thêm nữa, người dùng xem trang nội dung là khoá học nên sẽ gia tăng cơ hội quay trở lại vào những lần sau. Google sẽ đánh giá Website tốt hơn thông qua các chỉ số Time on site và Bounce Rate. Time on site càng cao, Bounce rate càng thấp chứng tỏ nội dung giá trị.
Giảm áp lực SEO tổng thể:
Phù hợp cho những Website mới chưa có chiến lược dài hạn về SEO. Bạn chọn một từ khóa chính cùng với ngách chủ đề đã chọn, viết một bài Pillar khái quát toàn bộ khía cạnh thuộc chủ đề, các bài nhỏ bên trong Internal link ngược về bài Pillar để giúp được rank top dễ dàng hơn. Nhờ đó chỉ cần một chính khoá chính được lên top, bạn đã có thể kéo traffic cho các bài khác.
Cho người dùng
Tạo cảm giác thoải mái:
Khi có vấn đề và được giải quyết một cách thoả đáng bằng những nội dung chất lượng, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và muốn được kết nối với nội dung, với người xuất bản bài viết nhiều hơn. Việc bạn sắp xếp nội dung có tổ chức, việc bạn đào sâu mọi khía cạnh trong chủ đề…đã là điểm cộng giúp người dùng tin tưởng vào chuyên môn của bạn.
Điểm chạm bán hàng:
Việc sắp xếp nội dung thành từng chương từ dễ đến khó, từ ngoài đi vào trong là cách bạn đang tạo phễu hành trình khách hàng với các điểm chạm (touch point) sản phẩm/dịch vụ của mình. Người dùng khi tin tưởng, họ càng có nhu cầu đồng hành sâu hơn. Việc phân tầng nội dung rõ ràng giúp kết hợp bán được nhiều sản phẩm, giúp người dùng biết đâu là sản phẩm phù hợp với họ.
Giao diện đẹp, bắt mắt:
Không thể thiếu điều này, bởi việc sắp xếp nội dung là dựa vào UX/UI rất nhiều. Bạn thiết kế trang Landing Page càng thân thiện với người dùng bao nhiêu, họ sẽ ở lại lâu hơn trên trang. Nội dung hay chưa đủ, cần phải có thêm giao diện bên ngoài đủ hấp dẫn để thu hút họ đi sâu vào bên trong.
>>> Đọc thêm: Tạo ra thu nhập cho Website chỉ với 1 bài Blog
Phân tích trang Learning on Landing Page thành công
Sau khi đã hiểu về định nghĩa, lợi ích của trang Learning on Landing Page, chúng ta cùng đi qua một số Case Study trang nước ngoài làm thành công.
Learning SEO (https://learningseo.io/)
Trang này tập trung hướng dẫn người dùng cách triển khai SEO, họ đặt tên cho trang của mình là “The SEO Learning Roadmap". Có nghĩa là họ tạo sẵn một lộ trình để tự học SEO căn bản.
Họ chia kiến thức thành 10 học phần lớn:
SEO Fundamentals
Execute an SEO Process
SEO in your CMS
...
Trong từng học phần lớn có các bài viết chi tiết, mổ xẻ sâu hơn nội dung. SEO Fundamentals sẽ có các bài chi tiết:
Introduction to SEO
Keyword Research
Competition analysis
Content optimization
Technical optimization
…
Klienboost (https://www.klientboost.com/landing-pages/)
Trang này tập trung hướng dẫn cách triển khai Landing page. Họ làm cùng ngách với Web1trang nên thật sự Huy rất nể phục cách làm chuyên nghiệp của họ.
Họ có 8 chương, và mỗi chương phân loại cụ thể kiến thức từ dễ đến khó, để một người mới bắt đầu hay người đã có chuyên môn đều có thể ứng dụng được.
Một số chương điển hình của trang như sau:
Chapter 1: Landing Page Fundamentals
Chapter 2: Building A Landing Page
Chapter 3: Landing Page Types & Examples
…
Trong chương 1, họ sẽ có cụ thể từng bài viết như sau:
What Is A Landing Page?
Why Use Landing Pages?
Landing Page Vs Website
Landing Page Best Practices
Landing Page User Experience
…
Cá nhân Huy thấy cách thức xây dựng chuỗi nội dung theo dạng Landing Page như thế này vẫn chưa có tại Việt Nam, mặc dù mình đã tìm khá nhiều. Đó là lí do vì sao, chuỗi bài Marketing Website vừa xuất bản cũng dựa trên ý tưởng này (mong mình là người đầu tiên tại Việt Nam làm).
Nếu bạn đã thấy hình thức Learning on Landing Page này hữu ích, khả thi để làm. Vậy sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các bước để thực hiện.
Cách triển khai Learning on Landing Page
Trước khi triển khai, bạn đánh giá lại chủ đề của mình dựa trên một số tiêu chí:
Nội dung của bạn có lộ trình bài bản chưa, có thể chia thành các chương, hay nhóm chủ đề rõ ràng?
Ngoài nội dung triển khai, bạn có quà tặng, sản phẩm/dịch vụ chưa (ví dụ: ebook, checklist, template)?
Ngoài nội dung bằng chữ, bạn có ý tưởng hình ảnh và video đi kèm không?
Một số nội dung dễ chạm với hình thức này:
Lộ trình học tiếng Anh từ A-Z
Hướng dẫn thiết kế landing page
Học tiếp thị trang Website cơ bản
…
Cách thức triển khai gồm 5 bước
Bước 1: Xây dựng lộ trình học tập, chia thành các chủ đề và bài học.
Bước 2: Tạo một landing page hoặc một phần riêng (chuyên mục con) trên blog.
Bước 3: Tạo nội dung cho từng bài học, có thể là bài viết blog, video hoặc tài liệu tải về.
Bước 4: Liên kết các bài học với nhau để tạo thành một lộ trình học tập liền mạch.
Bước 5: Quảng bá landing page/blog của bạn trên các kênh khác nhau.
Thêm nữa, trong quá trình xây dựng chuỗi bài viết bạn nên song song tìm hiểu các chỉ số đo lường căn bản để đánh giá và điều chỉnh nội dung liên tục. Huy giới thiệu một vài chỉ số căn bản:
Organic Traffic (Lượng truy cập tự nhiên): là lượng traffic không phải trả tiền mà công cụ tìm kiếm đổ về cho bạn khi làm nội dung tốt, tối ưu SEO tốt đáp ứng các tiêu chí của công cụ tìm kiếm.
Time on page (Thời gian trên trang) là một chỉ số đo lường thời gian mà một người dùng ở lại trên một trang web cụ thể.
Time on site (Thời gian trên trang web) là chỉ số đo lường tổng thời gian mà người dùng dành cho toàn bộ Website.
Pageviews (Số lần xem trang): là lượt tính mỗi lượt URL được mở ra.
Bounce Rate (Tỷ lệ thoát trang): là phần trăm số lượt truy cập trên một trang với việc khách truy cập rời đi mà không xem trang thứ hai.
Tóm lại, trước khi bắt đầu hình thức này bạn hãy,
Cố gắng xem qua hết các mẫu Case Study mà Huy chia sẻ ở trên, học hỏi điều hay và ứng dụng phần nào phù hợp với mô hình của mình. Cuối cùng, cứ làm thử để sai rồi sửa sau đó bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hơn.
Nếu cần hỗ trợ bạn đừng ngần ngại bình luận bên dưới, hoặc nhắn tin với Huy để có sự hướng dẫn chi tiết hơn.