Landing page là gì? Tại sao landing page lại xuất hiện và giúp cho tỷ lệ chuyển đổi trên website được tối ưu hơn? Ba phần hết sức quan trọng để có được một landing page hiệu quả.
Landing page là gì?
Landing page là một trang trên website của bạn nhằm mục đích đưa thông tin một cách hấp dẫn về một sản phẩm, chủ đề nhất định nhằm mục đích thuyết phục khách hàng chuyển đổi thông qua nhiều hình thức: Để lại thông tin để đăng ký (Lead), đặt hàng (Order), nhận một ưu đãi (Promotion), hoặc một hành động nào đó.
Landing page là một trang đơn (microsite) trong trang web như tenmien.com/khuyen-mai , sub domain khuyenmai.tenmien.com hoặc có thể tách biệt tên miền riêng tenmien.com tùy vào mục đích hay chủ ý của bạn.
Biến traffic thành khách hàng tiềm năng là bài toán không hề đơn giản, vì thế mà các chiến dịch quảng cáo nếu như đổ thẳng về trang chủ hay danh mục sản phẩm có nhiều thông tin sẽ gây ra sự “nhiễu loạn” thông tin chính đang cần được chú ý, không đúng với nhu cầu của khách hàng nên landing page chính là giải pháp để giải quyết chính vấn đề này.
Nếu đúng định nghĩa thì landing page chỉ là một trang riêng biệt, nếu một trang được tạo ra chỉ có nội dung hình ảnh cũng có thể gọi nó là một landing page NHƯNG khi nói đến landing page thì mọi người ngầm hiểu nó là một trang hoàn chỉnh với thiết kế riêng biệt, nội dung hấp dẫn, hình ảnh và video cũng được trình bày một cách hấp dẫn.
Ví dụ dưới đây là 1 landing page về bầu vải trồng cây Link
Còn nếu một trang được tạo ra có nội dung, hình ảnh như đề cập có thể gọi là một trang tĩnh (Page).
Tầm quan trọng của Landing Page
Tại sao website vẫn làm được việc mua hàng, blog vẫn có thể để form đăng ký hay trang tĩnh vẫn có thể đưa được những gì mà landing page có thể đưa lên mà chúng ta lại cần đến landing page?
Đúng vậy, hoàn toàn có thể dùng được nhưng với yêu cầu cao hơn về tỷ lệ chuyển đổi, tính chuyên nghiệp, sức hút, sự chỉn chu một cách có đầu tư của bạn hoặc doanh nghiệp với những trang này thì lúc đó nhu cầu của bạn chính là một landing page.
Tập trung vào một vấn đề
Mỗi landing page thường không quá tham lam để bao quát hết nhiều sản phẩm, dịch vụ mà có sự tập trung nhất định và tạo ra không gian đủ để bạn đưa content, hình ảnh, video và chương trình khuyến mãi của riêng một sản phẩm đó để tỷ lệ chuyển đổi được cải thiện hơn. Ví dụ bạn có bán nhiều sản phẩm điện thoại Samsung nhưng vẫn có một landing page để nói riêng về sản phẩm mới nhất, bán chạy nhất là Samsung Galaxy S23 Ultra 5G dùng để chạy riêng những chiến dịch truyền thông kéo traffic về.
Tại sao phải làm như vậy?
Bởi vì thông tin sản phẩm đơn thuần bằng text chưa đủ để thể hiện hết những điểm mạnh của sản phẩm, những hình ảnh, keyword quan trọng sẽ được thiết kế ấn tượng hơn, hấp dẫn hơn là những dùng text thông tin của chi tiết sản phẩm.
Thậm chí với cùng một sản phẩm đó landing page còn được chia ra để tập trung vào một vấn đề, một insight, điểm chạm, nỗi đau nào đó để khách hàng truy cập như tìm thấy chính mình trong nội dung của mỗi landing page này và thấy sản phẩm này phù hợp với chính mình ngay lúc này.
Ví dụ như Web1trang.com triển khai dịch vụ landing page nhưng sẽ có một số landing page dành cho các đối tượng như sau:
Người hay dùng để chạy quảng cáo có nỗi đau về tỷ lệ chuyển đổi, time on site kém
Chủ cửa hàng kinh doanh muốn đưa thông tin lên landing page cho tinh gọn, đối với website thì quá dư thừa nguồn lực, ngân sách và nhu cầu của họ.
Website cho chuyên gia, coach, người có tầm ảnh hưởng cần một trang thông tin chung mà không cần thêm nhiều tính năng khác.
Từ ví dụ trên bạn sẽ thấy được, dù chỉ là một dịch vụ nhưng mỗi đối tượng, mục đích sử dụng khác nhau cần những nội dung phù hợp thì mức độ thuyết phục chắc chắn sẽ tốt hơn, vì họ thấy mình trong đó thay vì một mẫu thông tin chung.
Tất nhiên là phải đảm bảo traffic đủ nhiều, doanh thu, và ngân sách bỏ qua cho truyền thông đủ để bạn có thể đầu tư thêm thời gian để làm nhiều mẫu landing page để tối ưu.
Không rớt traffic ra ngoài
Bạn tưởng tượng, dòng nước đang tuôn chảy bên trong phễu đang đổ xuống đáy chai tự dưng có vài lỗ thủng ở thân phễu thì phần nước đó có phải sẽ rơi ra bên ngoài không?
Nếu chúng ta không hứng được traffic cũng giống như dòng nước đang tuôn chảy bên trong chai chính là landing page thì có thể sẽ mất đi kha khá nước trước đi đến đáy chai, cũng là nơi chứa phần kêu gọi hành động của landing page.
Nếu như bạn đang đầu tư nhiều vào traffic, hãy cũng quan tâm thêm tối ưu kênh hứng
Cụ thể ở đây với các trang chủ hay trang danh mục sản phẩm sẽ có rất nhiều sự điều hướng khác như: click chuyển về các trang khác, dẫn về các sản phẩm gợi ý khác… mà nguồn traffic ban đầu bạn đang dẫn dắt đúng với insight, chọn quảng cáo đúng đối tượng thì traffic đó đã chuyển đến những sản phẩm không đúng với mục đích ban đầu đó. Tất nhiên cũng chả có chuyển đổi nào được tạo ra hoặc tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) rất kém.
Vì thế, landing page thường không điều hướng sang bất cứ trang khác trừ khi khách hàng đã điền xong Form bạn yêu cầu hoặc khi bạn dùng Sale Funnel để chuyển hướng có mục đích để bán thêm – up sales thì lại khác.
Tất nhiên với những landing page là các trang như trang chủ, giới thiệu bạn tạo ra thì việc chuyển hướng rất là bình thường vì mục tiêu của nó là truyền thông chứ không phải để bán hàng.
A-B Testing
Từng đối tượng truy cập landing page sẽ có những nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính) khác nhau, sở thích, tính cách khác nhau nên nội dung và thiết kế cũng sẽ khá ảnh hưởng một chút đến quyết định chuyển đổi.
Ngoài ra, nếu bạn có nhiều option về nội dung khác nhau cũng tạo ra hiệu quả khác nhau rất nhiều và cách duy nhất là bạn phải ứng dụng thực tế những option đó với đủ lượng traffic nhất định mới biết đâu là option mang lại chuyển đổi tốt thật sự, bạn có thể nghĩ rằng mình viết đúng đối tượng đó là chuyển đổi tốt nhưng chưa chắc đâu chỉ có con số về kết quả thực mới đánh giá được đúng chính xác những ý “tưởng” của bạn.
Đó chính là những tác dụng chính mà kỹ thuật AB-Testing ra đời.
Một ví dụ nhỏ về AB-Testing
Nếu 10.000 traffic truy cập landing page với tỷ lệ chuyển đổi 3% bạn sẽ có được 300 khách hàng, sản phẩm 500,000 bạn sẽ thu về 150,000,000
Nếu 10.000 traffic đó được tăng lên tỷ lệ chuyển đổi thêm chỉ 0,5% bạn sẽ có 350 khách hàng, thu về 175,000,000
Chúng ta có thể thấy tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 0.5% được tối ưu thêm 25.000.000 doanh thu.
Vì vậy testing AB không chỉ trong quảng cáo mà trong landing page còn rất quan trọng và được ứng dụng rất nhiều.
Landing page không chỉ testing AB nhiều mẫu thiết kế trên cùng một trang (cùng một url) mà còn có thể testing AB các phần tử trong landing page như Hero Section thông điệp chính hay phần CTA (Call to action) khác nhau một cách dễ dàng để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất về chuyển đổi.
Các loại landing page
Dựa theo mục đích sử dụng phổ biến landing page được phân chia thành 2 loại khác nhau: landing page thu hút Lead và landing page tăng Click.
Lead Generation Landing Pages (Landing page thu hút lead): Những landing page này có chức năng chính là thu được data đăng ký thông qua form điền thông tin để lấy email, số điện thoại, địa chỉ…. hay các sản phẩm có thể cho điền form để đặt mua sản phẩm.
Các lĩnh vực khác có thể cung cấp quà tặng miễn phí, hội thảo miễn phí để lấy được thông tin liên hệ hoặc Lead Magnet, tùy theo chiến lược phễu marketing của bạn xây dựng.
Landing page Contact của Larksuite kêu gọi việc điền Form
“Bạn được họ cho phép Marketing đến họ bởi vì họ đã để lại thông tin liên lạc cho bạn.” Seth Godin có đưa ra một thuật ngữ Marketing Base Permission
Vì thế, lấy được Lead là khởi đầu cho các chiến dịch tiếp thị sản phẩm theo thang sản phẩm hoặc theo phễu marketing. Hiện nay phần lớn các landing page được tạo ra cũng tập trung vào công dụng này.
Click-Through Landing Pages (Landing page tăng Click): Mục tiêu của landing page này không gì khác chính là Click, thường được sử dụng trong các landing page của các phần mềm ứng dụng kêu gọi download, các landing page sản phẩm click để chuyển qua mua ở một trang có tính năng bán hàng riêng…. Landing page không có chức năng đặt hàng hay để lại lead.
Landing page của Larksuite chỉ kêu gọi clịck phần chính là Try for free (đăng ký miễn phí)
Dù là loại landing page nào trong hai loại trên thì chức năng chính của landing page vẫn là truyền tải nội dung – thu hút – thuyết phục khách hàng hành động tại phần CTA.
Vậy, đâu là những điểm quan trọng của landing page?
Làm thế nào để landing page cho hiệu quả cao
Chúng ta tạm bỏ qua yếu tố khác không thuộc thành phần chính của landing page dù cũng tác động ít nhiều như: Chất lượng traffic, nội dung quảng cáo, nguồn traffic hay sự uy tín của thương hiệu qua một chút vì đang ở ngữ cảnh của landing page chúng ta sẽ tập trung phân tích sau khi khách hàng truy cập vào landing page được tác động bởi những yếu tố nào để tạo ra chuyển đổi.
Content is King
Nội dung luôn là yếu tố cốt lõi trong việc thuyết phục khách hàng đưa ra bất cứ hành động nào bạn muốn trên landing page.
Nội dung dành cho landing page không chỉ hay, lôi cuốn còn phải tạo ra được sự ấn tượng, độc đáo sau khi đọc xong, tạo ra cảm giác thỏa mãn nhu cầu đang tìm kiếm giải pháp của khách hàng thì lời kêu gọi (CTA) khi đưa ra sẽ hiệu quả hơn.
Thuyết phục bằng lý lẽ nhưng chốt đơn là nhờ cảm xúc, content chữ kết hợp với thiết kế phải đánh cắp được trái tim của khách hàng, chạm đúng với insight thì mới tạo ra được chuyển đổi.
Để làm được điều này, phải ứng dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng của Copywriting và Content writing thì bạn sẽ có một landing page khác biệt. Ngoài ra, nội dung chi tiết kết hợp viết ra bởi người tạo ra sản phẩm cũng là cách rất tốt vì đó là người có thể viết ra nội dung chân thật nhất cho sản phẩm.
Thường thì bạn sẽ tìm landing page của đối thủ để xem content và mang về edit thêm thông tin của mình NHƯNG tới lúc bạn cần đặt câu hỏi liệu nội dung landing page đối thủ dùng đang thực sự hiệu quả, có thực sự phù hợp với khách hàng mà bạn đang có. Cùng một sản phẩm giống nhau về mặt tính năng nhưng cách thu hút, truyền thông và xây dựng nội dung sẽ có tạo ra tệp khách hàng hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, sắp xếp nội dung vào đúng vị trí cũng sẽ giúp yếu tố thuyết phục của nội dung được đảm bảo hơn, một trong những yếu tố quan trọng tạo ra chuyển đổi.
Vậy, viết nội dung landing page cũng cần tạo ra sự khác biệt dựa trên bảng phân tích insight, nhân khẩu học, tính cách, bảng nghiên cứu khách hàng, thông điệp truyền thông đang xây dựng và cách bạn tạo ra ấn tượng riêng với khách hàng. Ngoài ra, yếu tố duy nhất về nội dung cũng giúp tối ưu SEO cho landing page một cách hiệu quả.
Suốt thời gian làm website và landing page của Huy, mình cũng đã từng mắc phải những sai lầm trên đó là không chú trọng vào nội dung. Một phần lớn của thị trường làm website, landing page hiện nay đang làm như vậy vì họ nghĩ yếu tố tạo nên chuyển đổi là nhờ UX/UI còn nội dung đối thủ làm cũng hay rồi.
Web1trang.vn vừa ra mắt bộ công cụ “Content Landing page – Vũ khí chuyển đổi” Bộ công cụ sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 2 tháng đọc hơn 200 tài liệu và thực hành liên tục để đúc kết được
Tất nhiên không phải tất cả đều làm vậy nhưng còn quá ít để những ai tập trung vào content trong thời gian tới sẽ tạo ra những kết quả tốt hơn, tạo ra sự thiện cảm với khách hàng hơn vì mình nói thật – làm thật – cung cấp thật chứ đâu phải cái gì đối thủ có chúng ta cũng có hay sự khác biệt của chúng ta nằm ở đâu.
Kỹ nghệ sắp xếp UX/UI
Cấu trúc não trái và não phải của mỗi người đánh giá mức độ tập trung và thu hút vào những điểm mà thiên hướng người đó cảm thấy hấp dẫn, vì thế sự kết hợp UX/UI giúp cho nội dung bạn trình bày ra được người truy cập đọc đầy đủ thì những ý tưởng nội dung bạn đưa ra mới mang lại hiệu quả.
Bởi vì hầu hết mọi người đều đọc lướt chứ không đọc từng chữ được bạn chăm chút thật kỹ nên những kỹ thuật sắp xếp phù hợp và làm nổi bật những điều quan trọng. Một số gợi ý cụ thể:
Thử kiểm tra chớp mắt ở đầu trang, nghĩa là khách truy cập sẽ đọc và ấn tượng với thông điệp chính đầu trang không quá thời gian chớp mắt của họ, thường là chưa đầy năm giây.
Tất cả những gì ấn tượng, dễ nhớ, xúc tích nhất hãy để đầu trang lúc load trang lên sẽ bắt gặp.
Nội dung quan trọng trong đoạn văn thường sắp xếp theo chữ F, phần đó người dùng đọc kỹ hơn và về sau thì đọc lướt qua nhanh hơn.
Sử dụng gạch đầu dòng và các đoạn văn ngắn để nội dung dễ hiểu Còn rất nhiều tips cũng tùy thuộc vào sản phẩm, dịch vụ….
Màu sắc của landing page không cần quá nhiều, màu sắc thương hiệu sẽ giúp khách hàng nhân ra bạn nhanh hơn và có sự tin tưởng hơn, sử dụng những khoảng màu trắng để tạo ra khoảng nghỉ, cảm giác thoải mái không bị dồn dập và màu tương phản cho các đoạn CTA để tạo ra sự ấn tượng, thu hút.
Hoặc bạn có thể tuân thủ nguyên tắc chữ F bên dưới là cách mà người dùng thường xuyên đọc lướt, đây là một cách để mình tối ưu landing page cũng như phân bổ Content cho hợp lý.
Hình ảnh
Bạn có nhận ra hình ảnh của landing page thường được ấn tượng hơn rất nhiều so với những bài blog không?
Bởi vì hình ảnh cũng chính là nội dung giúp diễn tả một cách rõ ràng hơn trong nhiều trường hợp mà text không thể làm tốt được. Ngoài ra, có những phần text rất dài chỉ cần đúc kết lại thành sơ đồ đưa lên landing page sẽ giúp người dùng ấn tượng và nhớ một cách lâu hơn.
Ví dụ: Bạn không thể mô tả cách đi đến cửa hàng một cách chi tiết bằng hình ảnh một tấm bản đồ có đánh dấu vị trí của bạn, đường đi tới đó từ đường chính như thế nào.
Để hiểu hơn các nút bấm trên một chiếc radio chỉ cần thiết kế ra một hình ảnh trên landing page, còn nếu viết hướng dẫn thì nguyên một trang A4 là không đủ.
Như phần nội dung bên dưới, nếu không có hình ảnh kết hợp chữ thì mình phải viết ra rất nhiều, kết hợp với người đọc phải tưởng tượng thì may ra nội dung mới được truyền tải được 70%.Rất tiếc là điều hoàn hảo đó lại khó diễn ra nên hình ảnh là một phần không thể thiếu, đi với content như cánh tay trái và phải bổ trợ cho nhau trong các landing page.
Hình ảnh cũng giúp tạo ra sự kết nối với các phần nội dung một cách liền mạch, hấp dẫn hơn.
Quy trình thiết kế landing page
Để nấu một món ăn ngon chúng ta cần phải thực hiện các bước một cách khoa học thì việc chế biến thức ăn sẽ nhanh, gọn và landing page cũng vậy bao gồm các bước cũng giống như chế biến một món ăn.
Bước 1: Lựa chọn mục tiêu Khách hàng tiềm năng sẽ truy cập landing page là ai bạn, độ tuổi khoảng bao nhiêu, hành vi sử dụng công nghệ như thế nào, chủ đề quan tâm lớn nhất là gì… Đó là những nội dung cơ bản nhất để bạn có thể lựa chọn ngôn từ phù hợp, thiết kế phù hợp, cách đăng ký hoặc mua hàng phù hợp.
Nếu bạn có nhiều nhóm đối tượng khác nhau cho cùng một sản phẩm tôi đề nghị bạn nên làm một số landing page khác nhau, tất nhiên là traffic đủ nhiều và ngân sách của bạn cũng đủ đáp ứng.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu
Chuẩn bị nguyên liệu để “chế biến” ra một món landing page “thơm phức” bao gồm:
Nội dung
Hình ảnh sản phẩm, ưu tiên ảnh chụp sản phẩm thật và chất lượng không quá tệ Video về sản phẩm
Danh sách giải thưởng của sản phẩm
Thông tin về cấu hình sản phẩm hoặc nội dung chi tiết nếu là dịch vụ
Những khách hàng tiêu biểu: Logo, hình ảnh, video
Đối với nội dung, cần “sơ chế” từ những nội dung rời rạc lại thành những đoạn nội dung có tính liên kết, bổ trợ cho nhau để tạo ra một mạch kể chuyện hấp dẫn, tạo ra sự thuyết phục.
Chuẩn bị nguyên liệu gì cũng tùy vào “món” mà bạn định nấu nhưng tất cả nguyên liệu phải xịn, hấp dẫn, chất lượng cao thì chắc chắn “món ngon” của bạn mới có thể chất lượng.
Bước 3: Thiết kế
Nguyên liệu đã đủ, sơ chế hết rồi thì mang ra “nấu” thôi, bước này thuộc về thẩm mỹ cũng như ứng dụng những cách thức tối ưu trải nghiệm của khách hàng dựa trên hành vi sử dụng quen thuộc.
Đó là sự kết hợp của màu sắc, bố cục cũng như nội dung nên cần rất nhiều kỹ năng. Bạn có thể thấy một landing trông có vẻ đơn giản nhưng có thể một chuyên gia đã làm bảy bảy bốn chín bước từ phức tạp để chuyển nó trở nên đơn giản nhưng hiệu quả.
Nếu có ngân sách và dự định sử dụng landing page nhiều, hãy tìm đến một chuyên gia và sử dụng dịch vụ chắc chắn tiết kiệm được rất nhiều thời gian của bạn và cả chi phí thời gian bạn bỏ ra.
Bước 4: Kết nối dữ liệu, cài đặt mã theo dõi
Sau khi đặt hàng, dữ liệu sẽ được gửi về đâu để lưu trữ hay có đồng bộ với phần mềm quản lý bán hàng, CRM mà bạn đang sử dụng không. Hãy chắc chắn rằng luồng kết nối đã được chạy chính xác và ổn định nhé.
Với một số nền tảng để triển khai landing page trên nền hosting của bạn thì dữ liệu có thể bị mất nếu lúc đó lag, host chậm… cũng khá nguy hiểm nếu landing page đó có nhiều lượt traffic nhé. Với những nền tảng Saas như Ladipage, WebFlow thì ít bị vấn đề này hơn hoặc lỗi vẫn có hệ thống thông báo để bạn bấm gửi lại dữ liệu đó thủ công.
Để đo lường được traffic, theo dõi chuyển được được từ hệ thống quảng cáo thì bạn phải chắc chắn cài đặt đầy đủ những mã theo dõi vào trên landing page thì các nền tảng đó mới ghi nhận đầy đủ à chính xác.
Và chắc chắn rằng, bạn phải kiểm tra rất nhiều lần các lỗi thiết kế trên các thiết bị khác nhau có bị che hay mất đi một thông điệp nào đó quan trọng, lỗi chính tả cũng làm cho khách hàng “nghi ngờ” về sự uy tín của bạn.
Kết luận
Đó là những kiến thức nền tảng để bạn hiểu được landing page là gì cũng như làm thế nào để tạo nên những landing page hấp dẫn, lôi cuốn và tạo ra hiệu quả trong các chiến dịch truyền thông tiếp thị. Bạn thấy chủ đề này như thế nào, hãy để lại bình luân bên dưới bài viết để cùng trao đổi.