top of page

Làm thế nào để sử dụng landing page hiệu quả

Trong những cuộc gặp gỡ và tư vấn với khách hàng, team mình rất cẩn trọng khi tư vấn để khách hàng không hiểu nhầm là landing page rất thần thánh để tạo ra chuyển đổi. Bởi vì khi hiểu nhầm rồi bạn sẽ lệ thuộc, trông đợi một kết quả tốt và rồi sẽ hiểu sai và làm sai. Chắc chắn sẽ có 1 trải nghiệm tệ hơn, mất niềm tin hơn.

Landing page chỉ là nơi cuối cùng để khách hàng quyết định “mua hàng, để lại lead” – chuyển đổi. Đó là nơi để bạn thuyết phục khách hàng có tiếp tục bước tới một bước sâu hơn trong mối quan hệ của khách hàng – thương hiệu hay không. Nên tất nhiên nó cũng khá quan trọng.

Nếu có một landing page tốt sẽ giúp chuyển đổi tốt hơn (Theo thống kê 2023:  Landing page có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn 160% so với các loại hình đăng ký khác). Nhưng không phải nhờ landing page tạo ra điều đó mà những thứ khác cùng tạo thành, tương tác, hỗ trợ giúp landing page đạt được chỉ số tối ưu hơn về chuyển đổi, tỉ lệ click.

Đây là một số điểm quan trọng bạn cần phải lưu ý để nâng cao hơn những chỉ số này:

Nội dung truyền thông và landing page phải có sự kết nối

Điều này là một sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải. Nội dung truyền thông trên các nền tảng khác, chẳng hạn như mạng xã hội và quảng cáo, thường tập trung vào việc tối ưu hóa để thu hút sự chú ý mà quên mất rằng: Nội dung cần phải phù hợp và liên quan đến landing page.

Bạn có thể có một nội dung thu hút nhiều lượt xem và tối ưu hóa chi phí quảng cáo, nhưng nếu không tạo sự liên kết mạch lạc giữa nội dung tiền đề và landing page hoặc hướng dẫn khách hàng, kêu gọi hành động một cách “thô kệch”, không “mượt” thì tỷ lệ click (CTR) sẽ thấp và tỷ lệ thoát (bounce rate) sẽ cao.

Khi sử dụng landing page trong chiến lược của bạn, hãy đảm bảo rằng nội dung kêu gọi hành động và nội dung trang đích phải tương đồng và phù hợp nhau. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng khách hàng cảm thấy “bị lừa dối”.

Tạo dựng được niềm tin

Không nên cố gắng “nói láo” trên landing page. Nếu bạn cung cấp thông tin không chính xác hoặc không thể kiểm chứng, khách hàng sẽ khó tin tưởng và chuyển đổi. Đặc biệt là đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cao, khách hàng thường kiểm tra một cách cẩn thận trước khi quyết định mua. Bạn cần thuyết phục họ rằng sản phẩm của bạn là sự lựa chọn phù hợp và tốt nhất cho họ ngay lúc này.

Hãy đảm bảo rằng hình ảnh được trình bày chuyên nghiệp và nhất quán, và nội dung phải hấp dẫn, uy tín và đáng tin cậy.

Cung cấp các số liệu về lượt bán, đánh giá từ khách hàng đã mua sản phẩm, hoặc các phản hồi khách hàng là cách tốt để tạo dựng niềm tin. Đảm bảo rằng những thông tin này có thể được kiểm chứng, bạn phải đưa ra trước khi khách hàng tự kiểm chứng thông tin đó. Nếu có các giải thưởng hoặc chứng nhận uy tín liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn, hãy hiển thị chúng. Người mua thường cảm thấy an tâm hơn khi có sự xác thực về sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đang xem xét.

Nếu có người nổi tiếng hoặc có uy tín trong lĩnh vực của bạn đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, hãy sử dụng điều này để tạo sự tin tưởng. Tuy nhiên, người có uy tín (KOC) thường có hiệu quả tốt hơn so với những người nổi tiếng (KOL) trong bối cảnh hiện nay.

Đơn giản và hiệu quả

Huy đã chia sẻ điều này trong nhiều bài viết (Bài Vepa và bài này) . Một landing page càng đơn giản, ít lựa chọn hơn và ít mục tiêu hành động hơn, thì càng hiệu quả. Việc này cũng áp dụng cho việc hiển thị sản phẩm. Quá nhiều sản phẩm có thể làm cho khách hàng cảm thấy mơ hồ và khó quyết định. Họ có thể cần nhiều thời gian hơn để đánh giá để đưa ra sự lựa chọn phù hợp và có thể bỏ lỡ cơ hội mua sản phẩm của bạn ngay lúc đó.

Hãy tập trung vào việc đưa ra một hoặc một nhóm sản phẩm có liên quan mật thiết, chẳng hạn như các gói quà tặng cho Tết, bánh Trung thu và các sản phẩm tương tự.

Đừng quên đưa ra lời kêu gọi hành động (Call to Action) mạnh mẽ và rõ ràng để hướng dẫn khách hàng làm gì tiếp theo. Điều này có thể là “Mua ngay,” “Đăng ký ngay,” hoặc bất kỳ lời kêu gọi nào phù hợp với mục tiêu của bạn. Lời kêu gọi hành động cần phải nổi bật và dễ thấy để khách hàng dễ dàng thực hiện hành động mong muốn của bạn trên landing page.

Hình ảnh là một phần quan trọng

Nhiều khi diễn tả cả đoạn văn không giúp người truy cập hiểu rõ bằng một hình ảnh cô đọng, sơ đồ hóa hay infographics. Có khi, hình ảnh tràn đầy cảm xúc khiến người xem phải xúc động và thấy có sự kết nối với chính thương hiệu.

Ngoài ra, những hình ảnh hiệu ứng đặt ở vị trí phù hợp cũng có thể điều hướng ánh nhìn của người dùng vào vị trí mong muốn. Như ảnh bên dưới, những hình ảnh hiệu ứng muỗi tên được chèn vào khéo léo để “dẫn mắt” người truy cập đọc vào phần quan trọng của Section này (Vì phần text dài thường bị đọc lướt).

Khác với website, hình ảnh landing page thường nhiều và ấn tượng hơn vì điều đó tốt cho tỉ lệ chuyển đổi. Đừng vì tối ưu SEO mà dùng tí ảnh hơn và cũng đừng lạm dụng quá nhiều.

Một số lưu ý quan trọng về hình ảnh:

  1. Sắc nét, không bị mờ, nhòe.

  2. Trực quan, có liên quan – hỗ trợ cho nội dung.

  3. Hình ảnh thực tế là ưu tiên.

  4. Tối ưu dung lượng không quá nặng (Dưới 200kb mỗi ảnh, nếu nhiều ảnh thì cần nhẹ hơn nữa) để không ảnh hưởng đến tốc độ truy cập.

Sức mạnh của nội dung

Content vẫn là King. Nếu bạn xem xét kỹ càng, từng từ trên một landing page đều có tác động quan trọng đến sự thuyết phục của thương hiệu với người đọc.

Kỹ năng viết bài (Copywriting) là một phần quan trọng và một Copywriter, khi soạn thảo nội dung landing page, cần phải hiểu một chút về cách sắp xếp các phần, những kỹ thuật cơ bản của trải nghiệm người dùng (UX), hoặc chuyên sâu hơn, gọi là UX Writing.

Trong suốt quá trình làm với khách hàng, dù là agency về marketing, có bộ phần Copywriter hẳn hoi nhưng nội dung landing page lại không được đầu tư đến nơi đến chốn, các bạn vẫn lúng túng khi triển khai.

Cách đơn giản nhất để viết nội dung hiệu quả cho landing page là chia nó thành từng phần. Trong mỗi phần, xác định rõ nội dung cần viết, quyết định sử dụng hình ảnh/video nào và sắp xếp chúng sao cho tạo nên một dòng chảy mạch lạc. Sau khi hoàn thành mỗi phần, đọc lại và đặt ra câu hỏi: liệu cách bạn sắp xếp và trình bày nội dung có thuyết phục được khách hàng không? Có giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm và thương hiệu không? Có tạo ấn tượng đặc biệt không?

Nội dung không chỉ bao gồm văn bản, mà còn kết hợp hình ảnh, video, infographics, sơ đồ… để mỗi phần trở thành một nội dung hoàn chỉnh, tương complement và giúp người dùng dễ dàng “chuyển hóa”.

Dưới đây là một ví dụ: Khi nội dung của phần này được đưa lên landing page, chỉ có văn bản (text) không đủ để bổ sung cho tiêu đề “Doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai”. Việc chèn video bổ sung vào đây chính là “cứu cánh” cho cả phần này, nó làm phần nội dung trở nên hoàn thiện và cung cấp hỗ trợ cho tiêu đề ban đầu.”

Ví dụ về sức mạnh của nội dung

Ví dụ được đưa ta tại landing page này

Kết Luận

Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc sử dụng hình ảnh và nội dung không chỉ là để làm đẹp trang web, mà còn để tạo sự kết nối, thuyết phục, và tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi. Tập trung vào sự tương tác giữa nội dung và người dùng để tạo ra landing page đáng chú ý và hiệu quả.


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page